Ngày đăng bài: 18/10/2017 08:22
Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn – Niềm vui vinh danh và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị

Vừa qua (ngày 30/7/2014), tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức lễ đón nhận “Bằng di sản tư liệu” thuộc chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đối với Châu bản triều Nguyễn. Đồng thời với việc được vinh danh là trách nhiệm đặt ra cho Việt Nam trong khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

 

Những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao... thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm hoặc ngự phê, kèm theo dấu ấn của vương triều. Khi vinh danh tài liệu Châu bản, UNESCO nhấn mạnh tài liệu Châu bản đã đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí của một Di sản Tư liệu thế giới, đó là: Ý nghĩa quốc tế, Tính xác thực, độc đáo và quý hiếm.

Toàn bộ số châu bản hiện còn lại không nhiều, gồm hơn 773 tập tài liệu gốc tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11/13 đời vua triều Nguyễn. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của vương triều phong kiến Việt Nam.

 

Châu bản là những tài liệu độc bản được nhà vua phê duyệt trực tiếp lên một bản duy nhất bằng mực màu son đỏ. Sau đó Châu phê được sao thêm 2 bản phó để chuyển cho cơ quan thực thi và cơ quan viết sử của triều đình. Bản duy nhất có bút tích phê duyệt của Hoàng đế được lưu lại Nội các gọi là Châu bản.

Tính độc đáo của Châu bản còn được thể hiện qua các hình thức ngự phê của nhà vua trên văn bản. Đây là một đặc trưng của văn thư hành chính thời kỳ phong kiến Việt Nam, nó ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến chuyên chế tập quyền. Các hình thức ngự phê trong châu bản rất phong phú như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu sổ, Châu cải, Châu mạt.

Chữ viết cũng cũng là một nét độc đáo của châu bản triều Nguyễn. Châu bản được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Châu bản được viết trên giấy dó là loại giấy đặc biệt được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó do một số làng nghề truyền thống của Việt Nam sản xuất, có đặc tính là bền dai, không nhòe, ít bị mối mọt, không bị giòn gẫy, không bị axít. Châu bản được viết tay bằng bút lông bởi một loại mực truyền thống được mài thủ công và được soạn thảo bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp.

Về nội dung, Châu bản phản ánh một cách chân thực, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế…

Bảo quản tài liệu Châu bản

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu quý hiếm mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Tuy nhiên, việc bảo tồn trong nhiều năm qua còn hạn chế bởi những thách thức, chẳng hạn: điều kiện tự nhiên (khí hậu nhiệt đới nóng ẩm) tác động tiêu cực đến tình trạng vật lý của tài liệu, làm cho tài liệu bị mủn, giòn gãy, phai mực, bết dính… Cùng với đó, trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, nhiều đơn vị Châu bản triều Nguyễn đã bị thất lạc, hư hỏng. 

Tới nay Trung tâm  Lưu trữ quốc gia I đã hoàn thành xong chương trình cứu nguy tài liệu Châu bản và  có 773 tập được bảo quản cẩn thận.

Hiện nay, kho tư liệu gốc Châu bản được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I bảo quản trong môi trường kho lưu trữ chuyên dụng với sự hỗ trợ rất lớn về công nghệ và kỹ thuật của các nước tiên tiến. Trung tâm đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng kho lưu trữ hiện đại, bố trí các phương tiện bảo quản phù hợp, duy trì chế độ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... thích hợp; thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo quản như tu bổ phục chế tài liệu bị hư hỏng, xử lý nấm mốc, khử trùng, khử axit gây hư hỏng tài liệu, tiến hành số hoá tài liệu, tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ và bảo vệ an ninh tài liệu.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn khoảng 22 tập Châu bản triều Nguyễn đang ở tình trạng bị hư hỏng nặng, chưa thể khắc phục. Nhiều chỗ bết dính, chưa thể mở ra để đọc, nghiên cứu, sao chụp… Sắp tới, trung tâm sẽ cử các đoàn đi học hỏi, nghiên cứu công tác bảo quản tư liệu ở các nước tiên tiến để có thể áp dụng hợp lý nhất cho việc bảo vệ tư liệu quý này.

Phát huy giá trị tài liệu Châu bản

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, áp dụng đầy đủ các hình thức để phát huy tối đa hiệu quả khai thác sử dụng đối với tài liệu Châu bản như: phục vụ độc giả nghiên cứu tại phòng Đọc. Tại đây có đầy đủ hệ thống công cụ tra cứu và các cơ sở dữ liệu tài liệu. Thủ tục khai thác sử dụng tài liệu đơn giản, nhanh gọn. Đối với những độc giả ở xa không có điều kiện đến nghiên cứu, Trung tâm có thể cung cấp thông tin về tài liệu qua văn bản hoặc email. Những năm gần đây, Trung tâm tổ chức nhiều cuộc trưng bày triển lãm tài liệu Châu bản, được đông đảo các nhà nghiên cứu và công chúng tới tham quan. Đặc biệt, trung tâm còn phối hợp tổ chức trưng bày triển lãm về tài liệu Châu bản ở Huế giới thiệu, quảng bá giá trị của Châu bản, tạo điều kiện cho mọi người dân biết và được tiếp cận nguồn di sản quý giá này này. Trung tâm có nhiều bài viết giới thiệu tuyên truyền về giá trị của tài liệu lưu trữ Châu bản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay đã có hàng chục bài viết công bố, giới thiệu về tài liệu Châu bản. Bên cạnh đó, Trung tâm đã xuất bản một số ấn phẩm giới thiệu về khối tài liệu này, như: Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn... Trong thời gian qua, Trung tâm cũng đã tiếp đón rất nhiều đoàn tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về tài liệu Châu bản. 

Trung tâm đã tiến hành số hóa khối tài liệu này. Đây là việc rất phù hợp trong thời đại công nghệ số hiện nay. Điều đó giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận, tra cứu tài liệu, thông tin được thuận tiện hơn mà vẫn đảm bảo các tài liệu gốc được bảo quản trong điều kiện tốt.

Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu số hóa để tra cứu Châu bản mới biên tập được phần chữ Hán Nôm và tóm tắt sang tiếng Việt; chưa có phần tiếng Anh để những học giả nước ngoài tiếp cận được. Bởi thế, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ chú trọng hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu để làm sao giới thiệu rộng rãi được đến các nhóm nghiên cứu, độc giả quốc tế. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ xây dựng website song ngữ Việt-Anh về Châu bản triều Nguyễn để quảng bá rộng rãi đến toàn thế giới; tăng cường việc xuất bản ấn phẩm về Châu bản triều Nguyễn; biên dịch Châu bản triều Nguyễn từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt để công chúng được tiếp cận dễ dàng hơn…

Có thể nói, việc ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu đồng nghĩa với việc Châu bản triều Nguyễn sẽ có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng vốn có của nó, nhất là trong công tác nghiên cứu lịch sử. Bởi lẽ, thông qua Chương trình “Ký ức thế giới” của UNESCO, các di sản sẽ có cơ hội để phát huy giá trị và ngày càng gần hơn với công chúng và xã hội.