Ngày đăng bài: 24/03/2021 14:27
Lễ thiết triều tại điện Thái Hòa
Thiết triều là nghi thức lễ lớn và quan trọng vào loại bậc nhất của các triều đại phong kiến. Đại triều là một danh từ chung để chỉ nhiều cuộc lễ lớn trong một tháng, một năm, hay những cuộc lễ quan trọng không thường kỳ diễn ra tại triều đình, như lễ Đăng quang, lễ tết Nguyên đán, tết Đoan dương, lễ Vạn thọ... Ngoài ra, triều đình tổ chức Thiết đại triều nghe chính sự mỗi tháng 2 lần vào ngày mồn
 
Ảnh tư liệu lễ Đăng quang Hoàng đế Bảo Đại năm 1926

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đầu thời Gia Long, triều đình quy định lễ Đại triều chỉ là những ngày Nguyên đán, Đoan dương, Vạn thọ hay lễ Khánh hạ. Ngày mồng một và ngày rằm đều là nghi lễ thường triều “mỗi tháng, ngày mồng một, ngày rằm Hoàng đế ngự điện Cần Chánh nhận chầu, đều đặt nghi lệ thường triều[1].

Đến năm Gia Long năm thứ 5 [1806] triều đình quy định lại: “Mỗi tháng, ngày mồng một, ngày rằm đặt nghi lệ đại triều ở sân điện Thái Hòa, những ngày mồng 5, mồng 10, ngày 25 đặt nghi lệ thường triều ở sân điện Cần Chánh[2].

Đại triều nghi là nghi thức quan trọng của triều đình, buổi lễ biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực tập trung của người điều hành đất nước mà cụ thể ở đây là nhà vua - đấng toàn năng đầy quyền uy. Nhưng quy định không phải bất di bất dịch mà tùy từng hoàn cảnh để thay đổi cho phù hợp như: khí hậu thời tiết, tháng nhuận, hoặc gặp ngày nguyệt thực, nhật thực cũng được miễn triều. Điều này được thể hiện bởi những sắc dụ của các triều vua như sau:

Năm Minh Mạng năm thứ 3 (1822), vua xuống chỉ: “Từ nay về sau, năm nào có tháng nhuận, cho miễn cả đại triều, thường triều (trong tháng ấy), đặt làm lệ theo mãi[3].

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) ra sắc dụ: “Thiên tử lấy trời đất làm cha mẹ, vì vậy cổ nhân khi gặp nguyệt thực, nhật thực, theo lễ phải có cứu hộ (gõ chuông, hòng để cứu mặt trời, mặt trăng khỏi bị gấu ăn?). Từ nay về sau, phàm đặt triều vào ngày mồng 1, ngày rằm, nếu gặp những ngày có nhật thực, nguyệt thực thì do bộ tâu xin miễn triều, để tỏ ý kính trời”[4].

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) vua chỉ dụ: “Bỗng có mưa thu, thế tất còn có mưa luôn mấy ngày, không khỏi ướt át, chuẩn cho miễn sự thiết triều, nhưng trẫm vẫn ngự điện nghe chính như thường lệ”.

Sang năm sau, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) lại ra sắc dụ: “Phàm gặp nhật thực nguyệt thực, theo lệ phải miễn triều, vừa tự cảnh tỉnh, nghĩa phải như thế, vô luận nhật thực có đúng vào ngày hối (ngày cuối tháng 29 hoặc 30), sóc hay không, dẫu ở trước hay sau ngày hối, sóc cũng nên tránh sự ngự điện”[5].

Ngoài ra, vào những ngày triều đình tổ chức lễ Cầu đảo thì cũng miễn thiết triều: “Những nhật kỳ thường triều và ngày mồng một, ngày rằm, nếu gặp khi có quan sai cầu tạnh, cầu mưa thì không nên lại xin coi chầu để tỏ mặt kính sợ[6].

Quy mô, diễn tiến của nghi lễ Thiết đại triều về cơ bản giống nhau, nhưng tùy nội dung cuộc lễ mà có thay đổi ít nhiều. Nhà Nguyễn quy định: “Phàm ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng như có đặt nghi lệ đại triều thì chiểu theo nghi lệ tiết Vạn thọ nhưng bỏ bớt việc dâng biểu và bắn súng[7].

  + Chủ lễ và các vị trí trong điện Thái Hòa: Trong nghi lễ Thiết đại triều vua luôn là người chủ trì, nếu không có vua thì không bao giờ hình thành một buổi thiết triều. Vị trí cao quý nhất chính là ngai vàng đặt chính giữa điện Thái Hòa.

 Các hoàng tử, hoàng thân, vương công là tầng lớp quan trọng của triều đình sau nhà vua. Họ được phép đứng ở nội điện Thái Hòa. Ngoài ra các quan thái giám cũng được phép vào điện túc trực để phục vụ vua: “Đứng ẩn sau chiếc cột, chiếc áo lục dài và bộ mặt nhẵn nhụi của vị đứng đầu trong hàng ngũ thái giám”[8].

Cũng tại nội điện còn có các quan phục vụ nghi lễ đứng đợi ở 2 phía đông, tây. Về phía bên đông có 1 vị quan truyền chỉ, 1 vị quan đọc biểu và 6 vị quan thuộc Nội Các với nhiệm vụ dâng hộp biểu mừng của bách quan. Về phía chái tây gồm 5 người thuộc Nội Các. Họ có nhiệm vụ tiếp nhận hộp biểu của các địa phương.

Đội cẩm y vệ cầm giáo đuôi báo và kim đao đứng trong điện. Sau ngai vua có 2 viên khoa đạo xem xét lễ nghi và ở sân đại triều có 4 viên khoa đạo đứng hai bên đông tây.

Các quan văn võ triều đình không được đứng ở nội điện mà sắp xếp thứ tự ở sân điện Thái Hòa theo qui định “tả văn hữu võ” và theo 9 tầng bậc cao thấp khác nhau theo các phẩm sơn. Văn võ và các tôn tước từ tam phẩm trở lên đứng ở bệ rồng (tầng 1), tứ phẩm trở xuống đứng ở dưới thềm rồng (tầng hai). Tầng 3 và khu vực cầu Trung đạo là nơi dành cho các quan lại các địa phương và công sứ phiên thuộc[9].

+ Thời gian tổ chức: Thiết đại triều nghe chính sự được tổ chức vào ngày Sóc [ngày mồng một ] và ngày Vọng [ngày rằm] hàng tháng.

            + Bài trí lễ Thiết đại triều: Từ sân điện Cần Chánh đến sân Đại triều trước điện Thái Hòa là khu vực dành cho việc thiết trí cờ quạt, tán lọng, lỗ bộ cũng như dàn đại nhạc và binh lính…Việc bài trí được thực hiện từ sáng sớm của hôm diễn ra lễ. Đầu canh năm (khoảng 3 giờ sáng), sau hồi trống thứ nhất, các quản vệ, cai đội dẫn quân ngự lâm, thị vệ mang theo lỗ bộ, đại giá bày hàng dọc từ sân điện Thái Hoà ra đến cửa tả, hữu Đoan môn. Trống chiêng hồi thứ 3, trên Kỳ đài kéo cờ đại rộng 9 thước, dài 10 thước và cờ Khánh hỉ các sắc. Nghi trượng cho nghi lễ này có số lượng lớn các loại cờ, quạt, phan, lỗ bộ rồi voi, ngựa được bố trí dọc hai bên đông tây điện Thái Hòa đến Ngọ Môn.

  Bộ đại nhạc đặt ở phía nam điện Thái Hòa, gồm hai đội bày phía đông tây điện, đối xứng nhau. Đội nhạc với tên gọi: Tư bả lệnh giàn nhã nhạc do nhạc sinh Thự hòa thanh điều khiển, gồm 2 trống con, 2 trống tiểu bồng, 1 trống yêu cổ, 2 đàn nguyệt, 2 đàn tam, 2 tỳ, 2 hồ, 2 nhị, 1 kèn, 1 sinh tiền, 1 tam âm. Nhạc huyền (dàn nhạc) do 2 viên quản vệ cùng các đội trưởng đội thị trung đội mũ hổ dẫn đầu điều khiển gồm 1 bộ trống lớn, 1 chuông lớn, 12 chuông nhỏ, 1 cái phụ (một thứ nhạc khí hình như cái trống, bưng bằng da loài thú, trong nhồi cám và gạo để khi đánh cho tiếng kêu êm dịu), 1 cái chúc (một thứ nhạc khí làm bằng gỗ hình như cái thùng vuông 2 thước 4 tấc, sâu 1 thước 8 tấc, giữa có một cái trục bằng gỗ thông xuyên suốt đến đáy, để khi đánh lên cùng hợp với các tiếng nhạc. Bắt đầu cử nhạc thì đánh cái chúc, đến khi gần dứt thì đánh cái ngữ). Một cái ngữ (hình như con hổ nằm, trên lưng có 27 cái răng cưa), 1 cái trống nhỏ, 2 đàn cầm, 2 đàn sắt, 2 ống tiêu lớn, 2 ống tiêu nhỏ, 2 ống sáo, 2 cái sênh, 2 ống huân, 2 ống trì, 2 cái phách. Thự Thanh bình đội nhất, đội nhì, đội tam gồm 16 ca công chia đứng 2 bên tả hữu.

            Ty kỳ cổ đặt đại nhạc (quân nhạc) do nhân viên kỳ cổ mặc binh phục điều khiển với 1 bộ gồm 20 cái trống lớn, 8 cái kèn, 4 thanh la lớn, 4 thanh la nhỏ, 4 tù và lớn bằng vỏ ốc biển, 4 tù và nhỏ bằng sừng trâu. Ngoài nghi trượng và nhạc cụ, nhạc công, tại sân điện còn có đội hộ vệ, cảnh tất đứng chầu hầu, mỗi bên gồm 64 người xếp thành 4 hàng, mỗi hàng có 8 người.

            Bố trí bên trong điện Thái Hòa, nơi vua ngự, lại không trang trí nhiều. Ngai vàng phủ vải vàng đặt trước một bức trướng thêu dùng làm phông, phía trước là một cái bàn khảm cẩn xà cừ phủ vải vàng, 2 giá để quạt và gươm, lư trầm đặt trước ngai vàng dùng để xông trầm mỗi khi vua ngự bảo tọa. Ngoài án vàng đặt ống kim phụng để chiếu của vua ban còn có hai án đỏ đặt ở 2 bên tả, hữu. Biểu mừng của bách quan đặt ở án đỏ gian bên tả, hộp biểu mừng của các địa phương đặt lên án đỏ ở gian bên hữu.

            Khung cảnh của điện Thái Hòa cũng như trang trí tại điện Thái Hòa trong buổi lễ Thiết triều được người Pháp mô tả trong lần chứng kiến lễ Thiết đại triều dưới thời Khải Định: “Trong tranh tối tranh sáng của một phòng rộng lớn bít kín bằng cả trướng liễn đỏ và vàng và đầy chạm trổ rọi xuống một nền sảnh láng bóng. Phòng rỗng không. Hai giá để quạt lông, hai giá để gươm rải ra, im lìm giữa các cột trụ. Sau xa, rất sâu khoảng cách giữa tất cả mọi người. Xa lắm trong bóng mờ... sau làn khói nhẹ tỏa từ lư trầm, vị vua An Nam trẻ măng đỉnh đạc ngồi, mặt trắng như ngà, bình thản dưới vòng vương miện vàng chói lọi đầy kim cương và mặc áo bào lụa vàng thêu vàng” [10].

            Trong điện được trải chiếu để hoàng thân cũng như bách quan vào lạy chầu vua.

+ Nghi tiết lễ Thiết đại triều:

Để tổ chức nghi lễ Thiết đại triều, từ đầu canh năm (3 giờ sáng), sau hồi trống thứ nhất, các quản vệ, cai đội dẫn quân ngự lâm, thị vệ mang theo lỗ bộ, đại giá bày hàng dọc từ sân điện Thái Hòa ra đến Ngọ Môn.

  Hồi trống thứ 2, các quan tề tựu tại sân đại triều

            Sau hồi trống thứ ba, trên Kỳ đài cờ đại được kéo lên. Ty loan nghi đặt xa giá trước sân điện Cần Chánh.

             Đến giờ, bộ Lễ và đại thần ban võ tâu: “Trung nghiêm ngoại biện” (trong ngoài đã chuẩn bị xong). Hoàng đế trong trang phục đại triều ngự ra điện Cần Chánh.

Quản giá quỳ tâu: “Tấu thăng ngự liễn” (xin Thánh thượng ngự liễn).

Hoàng đế lên kiệu, ban tiểu nhạc cử nhạc.

Lúc này chuông trống ở lầu Ngũ Phụng nổi lên.

Đội túc vệ, ngự lâm, cấm quân cầm cờ quạt nghi trượng rước hoàng đế sang điện Thái Hòa.

Hoàng đế ra Đại Cung Môn. Khi đến cửa phía bắc điện Thái Hòa, hoàng đế xuống kiệu rồi ngự lên ngai vàng ở cửa phía bắc của điện.

Quan thái giám đốt trầm vào lư trầm trước ngai vàng.

Sau khi đốt trầm xong, bắt đầu nghi lễ Thiết đại triều.

Đại nhạc ngừng.

   Nghi lễ thiết Đại triều bắt đầu .

   Xướng: “Tấu lý bình chi chương” (tấu bài nhạc Lý bình).

 Viên tán lại xướng “Tấu nhạc chỉ”

 Xướng: “Bày ban”

 Xướng: “Túc bình chi chương” (tấu bài Túc bình)

 Xướng: “Bái, hưng” (các quan đều lạy 5 lạy, rồi đứng lên)

 Xướng: “Hành khánh hạ lễ”. Bách quan đều quỳ xuống.

 Xướng: “Phủ phục, hưng”

             Xướng: “ Khánh bình chi chương”(tấu bài Khánh bình)

             Xướng: “Bái, hưng” (5 lần rồi chia ban)

             Viên truyền chỉ quỳ tâu:“Tâu truyền chỉ”, xong vái và đứng dậy, lui xuống đứng hướng phía nam, tuyên lên rằng: “hữu chỉ” (có chiếu).

   Xướng: “Bày ban”, “Bách quan giai quỵ” (Bách quan đều quỳ xuống).

             Xướng: “Tuyên đọc”

Sau khi đọc chỉ xong, lại xướng tiếp “phủ phục, hưng”(5 lần)

             Xướng: “Hành lễ tạ ơn”

             Xướng: “ Di bình chi chương” (tấu bài Di bình )

             Xướng: “Bái, hưng” (đều 5 lần), rồi chia ban

            Quan lễ bộ quay về hướng đông, hô: “Thánh thượng đã ban chiếu, hãy bá cáo ân chiếu cho thần dân biết.”[11]

            Một vị quan bộ lễ tâu: “lễ tất” (lễ thành)

            Xướng: “ Hoà bình chi chương” (tấu bài Hòa bình), nhạc nổi lên.

            Hoàng đế lên kiệu ra cửa Đại Cung Môn.

            Ty Loan nghi đã sắp sẵn kiệu đứng chờ ở dưới thềm điện Thái Hòa, trở về điện Cần Chánh.

            Cùng lúc này, quan Hữu ty tiến lên lấy chiếu trên hương án đặt lên kiệu hai bên che tàng vàng để rước chiếu hoàng đế ban ra niêm yết ở Phu Văn Lâu.

            Kết thúc nghi lễ.

            Phục hồi, sân khấu hóa lễ thiết đại triều nhằm tôn vinh các lễ nghi cung đình, nâng cao nhận thức về văn hóa cung đình cho cộng đồng. Đồng thời, làm sống lại môi trường diễn xướng nhã nhạc cung đình Huế.

            Để tiếp nối tinh hoa văn hóa Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ sân khấu hóa lễ Thiết đại triều vào ngày 02/02/2021 tại sân Đại triều nghi trước điện Thái Hòa.

 


[1] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.67.

[2] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.67.

[3] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.68.

[4] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.69.

[5] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa Huế, 1993, tr.70.

[6] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.69.

[7] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử Học, Nxb Thuận Hóa Huế, 1993, tr.68

[8] E.Gras (1915), “Lễ Đại triều ở triều đình An Nam”, BAVH, tập 2, Đặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr.144.

[9] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.80-81

[10] E.Gras (1915), “Lễ Đại triều ở triều đình An Nam”, BAVH, tập 2, Đặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr.144.

[11] Lê Bính (1917), “Lễ đại triều”, BAVH, tập 4, Đặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr74.