Ngày đăng bài: 24/03/2021 14:43
Lầu Tàng Thơ – Kho lưu trữ tài liệu quốc gia triều Nguyễn xưa và nay.
1. Tàng Thơ Lâu trong lịch sử (1825 - 1945) Dưới triều vua Nguyễn (1802 - 1945), Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học của cả nước. Triều đình đã thiết lập ở đây rất nhiều thư viện và kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc viết sử sách.

 

Ngay từ thời Gia Long, vua cho ban hành rất nhiều chiếu chỉ nói về việc sưu tầm các tư liệu cũ. Vua Gia Long năm thứ 15 [1816], tháng 12 ngày Kỷ sửu, tế Chạp. “Chuẩn định từ nay trở đi quan viên bị giáng bãi thì thu lại bằng sắc và phẩm phục. Sai Phó đô thống chế Hữu dinh quân Thần sách là Tôn Thất Bỉnh kiêm quản các đội Nội hầu, Tiểu sai, Thị trà. Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Hải Dương là Trần Công Hiến chết. Công Hiến ở trấn thường cùng với đốc học Nguyễn Thể Trung và nho sinh trong hạt sưu tầm các sách sử và di văn của các nhà xưa, khắc bản in gọi tên là Hải Học đường[1].

 

Đến thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) triều đình đã tập trung về kinh đô khá nhiều tư liệu thành văn quý báu như: Gia Định thành thông chí, Bản triều ngọc phả, Khai quốc công thần diễn chí, Liệt thánh thực lục tiền biên... Đây cũng là thời kỳ các thư viện và kho lưu trữ đầu tiên của triều Nguyễn ra đời như Đông Các (thư viện của Nội Các, xây dựng năm 1826), Quốc Sử Quán (1821), Tàng Thơ Lâu (1825). Dưới thời các vị vua kế nghiệp, nhất là dưới hai triều vua Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883), các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, khối lượng tư liệu và sử sách tích lũy ở Huế ngày càng phong phú hơn, nhiều kho lưu trữ đã được xây dựng như: Tụ Khuê Thơ Lâu (1852), Tàng Bản Đường (1857) trong Tử Cấm thành, Tân Thơ Viện (1909) ở vị trí Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình hiện nay, Bảo Đại Thư Viện (1923) ở vị trí trường Quốc Tử Giám ngày nay. Ngoài những thư viện và kho lưu trữ kể trên, kinh đô Huế trước năm 1945 còn có nhiều thư viện và tủ sách tư nhân nổi tiếng như Viện Cổ học, tủ sách của Phạm Quỳnh, các chùa và Viện Phật học, các Tu viện, nhà thờ Thiên Chúa giáo...

 

Trong số các thư viện, kho lưu trữ kể trên, Tàng Thơ Lâu giữ một vai trò đặc biệt. Tàng Thơ Lâu được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng. Lúc bấy giờ triều đình đã giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận đứng ra chỉ huy 1.000 binh lính để thi công lầu Tàng Thơ[2]. Tổng thể kiến trúc lầu Tàng Thơ được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình, đặc biệt để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa. Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30m x 50m), ở giữa hồ Học Hải. (Đây là một cái hồ hình vuông, vốn là một đoạn trong dòng chảy cũ của sông Kim Long, được nắn lại dưới thời vua Gia Long, phần đảo nổi giữa hồ được sử dụng làm kho thuốc súng và diêm tiêu). Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía tây. Bốn mặt hồ xây tường gạch thấp.

 Lầu Tàng Thơ là một tòa nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.

Do vị trí và cấu trúc đặc biệt nêu trên nên lầu Tàng Thơ hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Michaeul de Chaigneau (còn gọi là Đức Chaigneau) là người có cơ hội viếng thăm lầu Tàng Thơ vào khoảng những năm 1825 - 1826, sau khi công trình này vừa được xây dựng xong. Cuộc viếng thăm này đã được ông mô tả trong một cuốn hồi ký “Souvenirs de Hué” (Những kỷ niệm về Huế): “Ở phần con kênh, nơi phần uốn cong thành góc hình thước thợ, có thư viện Hoàng gia, tòa nhà hai tầng bên trên mặt đất, trông khá kỳ quặc, được xây dựng dưới triều Minh Mạng. Tòa nhà này không theo một kiểu thức nào cả: đó là một hỗn hợp của kiến trúc Trung Hoa và Châu Âu mà người ta đã tìm ra để mô phỏng lúc bấy giờ[3]. Trong bài “Quelques coins de la citadelle de Hué (Một vài nơi trong Kinh thành Huế)” đăng trên tạp chí BAVH năm 1922, học giả L.Cadiere một lần nữa đã khẳng định: “Ông Michaeul de Chaigneau đã để lại cho chúng ta đoạn văn miêu tả về tòa nhà ấy (lầu Tàng Thơ), nó ghi nhận một cách chính xác cái khung cảnh của lầu Tàng Thơ ngày nay (1922)[4].

Sau khi Tàng Thơ Lâu xây dựng xong, vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826, ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Tàng Thơ Lâu. Trải qua thời gian dài, Tàng Thơ Lâu được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau, phần nào kết cấu của công trình cũng bị hư hại nhiều cùng với sự biến mất của tấm bia.

Trên thực địa của di tích, chúng tôi khảo sát không thấy có tấm bia đá nào như ở một số di tích khác. Nhưng rất may mắn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội còn lưu trữ một bản dập (thác bản). Đây là cơ sở để chúng tôi phục dựng lại tấm bia với nguyên bản cả về nội dung và hình thức.

Bài “Tàng Thơ Lâu ký” được khắc trên bia, với nội dung như sau:

“Bài ký về lầu Tàng Thơ

Thần nghe rằng sở dĩ sách vở của nước nhà để lại được phép tắc cho đến nay, là nhờ có kho cất giữ chung ở một nơi cẩn thận, tránh xa nước và lửa để có thể truyền lại lâu dài về sau, hầu làm khuôn phép đời đời.

Nay kính vâng theo tôn ý của Hoàng thượng, ngài dù bận rộn với muôn việc nước, nhưng cũng có lúc rỗi để quan tâm đến việc này, và ngài hạ lệnh xây dựng tòa nhà lầu ở phía đông bắc của Hoàng thành.

Đắp đất, xây đá và gạch. Đào hồ sâu chung quanh. Xây tường ở bờ ngoài quanh hồ. Chi dụng nhiều vật hạng trong kho, nào có tiếc.

Sau khi xây dựng xong, Hoàng thượng hạ lệnh cho các quan chuyên trách kiểm kê, lựa sổ sách, chọn ngày lành, chuyển đến tầng trên của tòa nhà lầu, tàng trữ tại đây, để tỏ rõ sự phát huy mưu lược vào việc sửa trị to lớn, lưu truyền mãi tấm gương tốt đẹp cho đời sau.

Tòa nhà lầu được xây dựng để làm nơi tàng trữ sổ sách, cho nên kính cẩn đặt tên cho nó như thế.

Ngày tốt, tháng Mạnh đông, năm Bính tuất, năm Minh Mạng thứ 7 (tức là tháng 11-1826)[5]

Vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua chuẩn y cho phép tầng dưới của lầu Tàng Thơ được chia làm 3 kho, dưới lát phiến chì để trữ diêm tiêu (nhằm mục đích chống ẩm). Trong kho phân thành từng phòng hình vuông, diện tích 3m x 3m. Ngoài ra, ở 4 hướng của lầu có lan can thấp bao quanh và để tăng thêm khả năng bảo vệ nên các cửa lớn nhỏ đều được làm bằng sắt và luôn đóng kín.

Nhà vua châu phê trên bản tấu của Bộ Binh, ngày mùng 9 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838), về việc tu sửa tầng dưới Tàng Thơ Lâu do nhiều chỗ bị dột, để lưu giữ diêm tiêu[6].

Nhà vua châu điểm thể hiện quan điểm đồng ý trên bản tấu của Bộ Công, ngày 12 tháng 6 năm Tự Đức 26 (1873), về việc dựng nhà tạm cho 45 nhân viên Tàng Thơ Lâu làm việc[7]. Có thể nói rằng, với khối lượng tài liệu lưu trữ ở đây rất nhiều, nên lượng người làm việc lên đến hàng chục người, mục đích đảm bảo làm sao để bảo quản tài liệu một cách tốt nhất.

Bản tấu của Bộ Hộ, ngày 25 tháng 7 năm Thành Thái 18 (1906), về việc tiếp sức các Chủ thủ, Điển thủ kiểm tra, sắp xếp lại địa bạ lưu trữ tại Tàng Thơ Lâu. Bản tấu của Bộ Công, ngày 09 tháng 10 năm Thành Thái 18 (1906), về việc tu bổ một số hạng mục ngói, cánh cửa, lan can trong Tàng Thơ Lâu do bị hư hỏng, thấm dột. Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ghi chép việc triều Nguyễn quan tâm, chăm sóc những công việc tại Tàng Thơ Lâu như: Tu sửa tòa nhà; Thường xuyên kiểm tra, sắp xếp lại địa bạ, châu bản; Nơi làm việc của nhân sự luôn được bố trí phù hợp… Đây là những minh chứng góp phần khẳng định tư tưởng tiến bộ của các vị vua triều Nguyễn, với tư cách là người đứng đầu đất nước, những vị Hoàng đế này đã thấu hiểu các giá trị của các loại văn bản hành chính trong việc điều hành đất nước và để lại cho các thế hệ mai sau.

Theo một quyển thư mục nhan đề “Tàng Thơ Lâu bạ tịch 藏 書 樓 簿 藉”chép năm Thành Thái 19 (1907)”, đây là cuốn thư mục về địa bạ, thuế bạ, đinh bạ ở Tàng Thơ Lâu do Bộ Binh và Bộ Hộ dưới các triều từ Gia Long đến Thành Thái thực hiện và dâng nộp. Ngoài ra, Tàng Thơ Lâu là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các Bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh đã được thực hiện từ thời Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với các triều đại Trung Quốc, hồ sơ các lễ tấn phong của các vua Tàu cho các vua Việt thời đó... Ngoài ra, trong kho còn có nhiều bản thảo sách Nho như: Y, lý, số, sách Khổng Tử, Mạnh Tử, các bộ Quốc sử, cùng rất nhiều bản gỗ (mộc bản) in các tài liệu nói trên. Riêng số công văn, thư tịch, sổ sách cũ của 6 Bộ và các Nha sau từng năm một đều phải mang đến lầu Tàng Thơ để cất giữ và được gọi là “Thượng niên sách tịch”, nghĩa là sổ sách của năm vừa qua. Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập. Đây là một “Tàng kinh các” hiếm hoi của thời kỳ chế độ quân chủ đang còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Huế, một công trình kiến trúc đặc biệt trong quần thể di tích kiến trúc vốn phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn.

Vào năm 1942, một nhà lưu trữ - cổ tự học người Pháp, Paul Boudet đã đến lầu Tàng Thơ. Sau khi xem xét các kho tư liệu ông đã khẳng định những giá trị lớn lao của khối tư liệu mà lầu Tàng Thơ đang lưu giữ. Ngoài ra, bức ảnh về kiến trúc của lầu Tàng Thơ chụp trong dịp này đã cho chúng ta những thông tin về hình ảnh của Tàng Thơ Lâu vào những năm 40.

2. Tàng Thơ Lâu sau năm 1945 đến nay

Qua những tư liệu trên chúng ta có thể nhận thấy từ thời điểm ban đầu cho đến năm 1945, kiến trúc và chức năng của Tàng Thơ Lâu phần lớn không có gì thay đổi. Nhưng từ năm 1945 trở về sau, cùng với những biến động chính trị ở Việt Nam, cũng như những di tích Nguyễn khác, số phận Tàng Thơ Lâu đã trải qua không ít thăng trầm. Đây cũng là thời điểm kết thúc chức năng hoạt động của Tàng Thơ Lâu, một kho lưu trữ tư liệu quốc gia. Do kiểu kiến trúc đặc biệt vững chắc và tương đối biệt lập nên thực dân Pháp đã sử dụng công trình này để làm nhà tù giam giữ những người hoạt động cách mạng trong giai đoạn từ năm 1947 đến 1954. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây kể từ đó đã bị phân tán, lưu lạc đi nhiều nơi như Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội... hoặc bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh. Sau đó vào năm 1955 trong các cuộc tranh dành quyền lực, Ngô Đình Diệm dùng Tàng Thơ Lâu làm nơi giam giữ các thành phần đối lập. Đặc biệt năm 1968, một đại đội lính biệt động của quân đội Ngụy án ngữ tại đây, đã có những tác động trực tiếp làm cho di tích cùng với môi trường cảnh quan bị phá hoại và ô nhiễm nặng nề. Năm 1975, quân Giải phóng tiếp quản di tích Tàng Thơ Lâu. Tại thời điểm năm 2000 chúng tôi khảo sát, toàn bộ khu di tích Tàng Thơ Lâu có 27 căn hộ tập thể của các gia đình quân nhân. Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt, các gia đình trên đã cải tạo, sửa sang làm thay đổi rất lớn diện mạo của Tàng Thơ Lâu như xây vách ngăn giữa các gia đình, trổ cửa thông gió, hoặc bít các cửa lớn, xây dựng khu vệ sinh... Đồng thời, chất thải sinh hoạt đã làm hủy hoại rất lớn môi trường chung quanh của khu di tích, đặc biệt là hồ Học Hải. Tàng Thơ Lâu ngày càng bị tàn phá một cách nghiêm trọng, nếu chúng ta không tiến hành ngay các biện pháp bảo vệ thì trong tương lai không xa di tích này sẽ hoàn toàn bị phá hủy.

Trải qua thời gian và bao biến động lịch sử, Tàng Thơ Lâu đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng; công trình cũng không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác; số tài liệu lưu trữ tại đây bị chuyển đi nhiều nơi, cả ở trong nước và thất tán ra nước ngoài… Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ngôi “Tàng kinh các” danh tiếng ngày nào đã đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Dự án nghiên cứu, phục hồi lầu Tàng Thơ được khởi động từ đầu những năm 2000 sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến năm 2014, dự án trùng tu phục hồi công trình này chính thức được khởi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành, quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế không chỉ có thêm một di sản độc đáo, mà điều quan trọng hơn là Cố đô lại phục hưng được một “Tàng kinh các” danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.

Nhằm phát huy lợi thế vốn có của vùng đất Cố đô, trong chiến lược lâu dài của công tác trùng tu và bảo tồn di sản, Huế cần thiết có một trung tâm lưu trữ tư liệu. Nhận thức được điều đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho thực hiện việc trùng tu, tái dựng lầu Tàng Thơ, một Tàng kinh các của Việt Nam dưới thời Nguyễn. Nỗ lực cuối cùng của đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thơ Lâu trong quá khứ, mà hơn hết là “hồi sinh” một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử.

Hiện nay, tại Tàng Thơ Lâu đang lưu trữ ba loại hình tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh.

VỀ TƯ LIỆU THÀNH VĂN: Với hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn hóa, Phật giáo, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Ngôn ngữ học, bản đồ… có thể nói đây là kho lưu trữ khá đồ sộ. Hệ thống lưu trữ của Tàng Thơ Lâu sẽ liên tục được cập nhật, bổ sung và đa dạng hóa các loại hình tư liệu. Về tư liệu Hán Nôm dưới dạng thủ bản, phần lớn là bản gốc được viết tay trên giấy dó, ngôn ngữ thể hiện chính là chữ Hán, ngoài ra có một số viết bằng chữ Nôm. Hiện tại các bản lưu kho, tích hợp lưu trữ đều dưới dạng các file số hóa. Hầu hết nguồn tư liệu truyền bản này thuộc dạng độc bản nên có giá trị tư liệu lịch sử rất cao như hệ thống Châu bản, Địa bạ, Sắc phong, Đinh bạ… Khối tài liệu này được hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, phản ánh các khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật của đất nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Về mảng tư liệu viết đã được khắc in (hay còn gọi là ấn bản), tập trung sao lưu, bảo quản các đầu sách, ấn phẩm, thư tịch có liên quan trực tiếp đến giai đoạn vương triều Nguyễn. Đầu tiên là các bộ chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn đứng ra điều hành biên soạn như: Đại Nam thực lục (Tiền biên và chánh biên), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gồm Tục biên và chánh biên - là tên gọi một cuốn sách thuộc thể loại hội điển, ghi chép những điển pháp Việt Nam dưới triều Nguyễn), Đại Nam nhất thống chí (bản khắc in thời Duy Tân, là bộ sách dư địa chí, viết bằng chữ Hán. Đây là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến), Đại Nam liệt truyện (là bộ sách lịch sử ghi chép về gia phả nhà Nguyễn, các sự tích, công trạng của các công thần, liệt nữ và danh tăng...), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (được biên soạn dưới dạng biên niên, theo thể "cương mục", gồm thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại), Minh Mạng chính yếu, Đồng Khánh - Khải Định chính yếu… tất cả các đơn vị tư liệu này chúng tôi đều lưu trữ cả hai dạng là nguyên văn bản Hán văn đã được khắc in và các bản chuyển dịch Việt ngữ.

Ngoài các bộ chính sử triều Nguyễn, trong hệ thống thư tịch cổ của Việt Nam, chúng tôi cố gắng tinh tuyển các đầu sách có giá trị về mặt tư liệu lịch sử cao như các bộ sử, văn hóa: Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều tạp kỹ (Ngô Cao Lãng), Nam Hà tiệp lục (Lê Đản), Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu (Đặng Xuân Bảng), Quốc sử di biên (Phan Thúc Trực), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Quốc triều chánh biên toát yếu (Cao Xuân Dục)… Dư địa chí, Địa phương chí: An Nam chí nguyên (Cao Hùng Trưng), An Nam chí lược (Lê Tắc), Ô châu cận lục (Dương Văn An nhuận sắc), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Lê Quang Định), Đại Việt địa dư toàn biên (Nguyễn Văn Siêu)… Luật pháp, Điển lệ: Hoàng Việt luật lệ, Hoàng triều hộ luật, Quốc triều yếu điển, Khoa cử: Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều đăng khoa lục (Cao Xuân Dục), Bản đồ học: Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (Đỗ Bá), Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ (Bùi Thế Đạt), Quảng Thuận đạo sứ tập… Tập san, báo chí có liên quan đến triều Nguyễn, phải kể đến Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, Tập san của những người bạn Cố đô Huế, 1914 - 1944), Tạp chí Nam Phong, Tạp chí Bách Khoa, Khảo cổ học tập san, Văn hóa nguyệt san, Tập san Sử Địa, Tạp chí Thanh Nghị, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử…Bên cạnh đó, là những đầu sách do các thương nhân, giáo sĩ truyền giáo, thiền sư người ngoại quốc mô tả, ghi chép về Huế hay giai đoạn nhà Nguyễn (1558 - 1945) như: Hành trình và truyền giáo (Alexandre de Rhodes), Xứ Đàng Trong năm 1621 (Cristophoro Bori), An Nam cung dịch kỷ sự (Chu Thuấn Thủy), Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán), Hồi ký Huế (Michel Đức Chaigneau) đến các công trình biên khảo, dịch thuật của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước: Mộng Kinh sư (Phan Du), Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang), Đất nước Việt Nam qua các đời (Đào Duy Anh), Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam (Trúc Khê)… cũng được lưu trữ phần mềm thư viện số.

VỀ TƯ LIỆU VIDEO: Hẳn rất nhiều người chưa một lần đặt chân đến Huế sẽ rất ngỡ ngàng pha lẫn chút tò mò về một số nghi lễ tế tự dưới thời nhà Nguyễn. Mảng tư liệu Video sẽ giúp các bạn điều đó. Sau nhiều năm nỗ lực phục dựng và tái hiện các hoạt động thực hành nghi lễ, những thước phim được chăm chút đến từng chi tiết, chất lượng hình ảnh rõ nét… sẽ đưa quý vị trải nghiệm những phút giây trầm lắng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong không khí trang nghiêm, long trọng của một số lễ tế thuộc hàng đại tự của quốc gia một thời như tế Nam Giao, tế Xã Tắc...

VỀ TƯ LIỆU HÌNH ẢNH: Huế, vùng đất của thi ca, chỉ nghe đến tên thôi đã xao xuyến lòng. Huế của ngày hôm nay không còn là Kinh đô như thuở trước, không còn những bước chân dập dìu của tao nhân mặc khách và sự nhộn nhịp ngựa xe một thời vàng son chốn hoàng cung, đế đô. Nhưng người Huế vẫn thế, kín đáo, nhẹ nhàng, sâu lắng. Huế vẫn cổ kính, đằm thắm trong những lăng tẩm đền đài, say sưa đến thiết tha trong mối ân nghĩa nặng tình với sông Hương, núi Ngự. Nhằm tri ân, hoài niệm về một thời quá vãng, Tàng Thơ Lâu sẽ là nơi lưu lại những khoảnh khắc của Huế xưa và Huế nay, những hình ảnh về Huế tồn tại mãi với thời gian.

Hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau sẽ được tái hiện sinh động, qua đó người xem có thể hình dung được chốn hoàng cung triều Nguyễn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc nguyên sơ.

Từ những bức hình toàn cảnh đến góc chụp tỉ mỉ, chi tiết hoa văn, họa tiết trên các kiến trúc cung đình, còn là kết quả của bấy nhiêu năm nặng tình với di sản Huế của các nhà nghiên cứu trong công tác trùng tu và bảo tồn.

Huế hiện tại đã sở hữu 5 danh hiệu di sản thế giới của UNESCO, ngoài quần thể di tích kiến trúc cung đình thời Nguyễn và Nhã nhạc cung đình, các di sản còn lại đều là di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình) và ít nhiều đều từng gắn bó với lịch sử hình thành, tồn tại của Tàng Thơ Lâu. Chính vì vậy, hy vọng Tàng Thơ Lâu sẽ là địa chỉ để nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ bền vững các di sản ấy cho tương lai. Một trung tâm lưu trữ tư liệu, một trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa của cố đô Huế đã được hình thành, và trong tương lai, đây sẽ trở thành một trung tâm để kết nối các giá trị của quá khứ đến cuộc sống đương đại. Với ý nghĩa ấy, lầu Tàng Thơ không chỉ là nơi cất giữ tài liệu như tên gọi, mà thực sự sẽ là nơi bảo tồn và phát huy một loại hình di sản đặc thù của cố đô Huế - di sản tư liệu./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phan Thuận An, "Từ thư viện triều Nguyễn đến thư viện Cố đô". Tạp chí Huế Xưa & Nay; số 6/1994 và số 7/1994.

2. Phan Thuận An - Trần Hoàng, "Một số tư liệu mới về các kho lưu trữ triều Nguyễn ở Huế". Tạp chí Thông tin và tư liệu số 2 (tháng 4/ 1999).

3. P. Boudet, "Les archives des empereurs d'Annam et histoire annamite (Châu bản triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam)", Tạp chí BAVH số 3/1942.

4. L. Cadière, "La citadelle de Hué: Onomastique (Kinh thành Huế địa danh học)", Tạp chí BAVH số 20/ 1933, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 147.

5. Nguyễn Đình Hòe và L. Cadière, "Quelques coins de la citadelle de Hué (Một vài nơi ở Kinh thành Huế)", Tạp chí BAVH số 3/ 1924, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.

6. Michel Đức Chaigneau, Souvenir de Hué, Bản dịch Việt ngữ - Tập kỷ yếu Sư phạm, Tôn Nữ Hảo dịch (năm 1962 - 1965), Giáo sư Nguyễn Phương hướng dẫn.

7. Nguyễn Hùng Cường, "Lịch sử thư viện và thư tịch Việt Nam", Tập san Văn hóa, số 1/ 1971.

8. Đào Thị Diến, Các nguồn tài liệu lưu trữ ở Cố đô Huế trong lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

9. Phan Thanh Hải - Lê Thị Toán, “Tàng Thơ Lâu và dự án xây dựng thư viện Cố đô”, Di sản văn hóa Huế - nghiên cứu và bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản năm 2007, tr.299.

10. Mai Thị Hà, Báo cáo hiện trạng Tàng Thơ Lâu (20 - 11 - 1995 đến 20 - 1 - 1996), Tài liệu lưu trữ tại phòng Nghiên cứu Khoa học - TTBTDT Cố đô Huế.

11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, 2007.

12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964.

13. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế di tích - lịch sử - thắng cảnh, Nxb Đà Nẵng, 1994.

14. Trần Hoàng - Phan Thuận An, "Tàng Thơ Lâu ký, Sử liệu mới phát hiện về kho lưu trữ triều Nguyễn ở Huế", Tạp chí Lưu trữ Việt Nam số 6/ 1998.

15. Trần Đức Anh Sơn - Vũ Hữu Minh, Hồ trong Kinh thành Huế, Tạp chí Nghiên cứu Phát triển.

16. Tham khảo nội dung văn bia đã dịch tại : https://quydisan.org.vn/lau-tang-tho-hue.html#bai-ky-ve-lau-tang-tho.

17. Châu bản triều Nguyễn, nguồn Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I.

 

 


[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003, tr.940.

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003, tr.430.

[3] Nguyễn Đình Hòe và L. Cadière, "Quelques coins de la citadelle de Hué" (Một vài nơi ở Kinh thành Huế), Tạp chí BAVH số 3/ 1924.

[4] Nguyễn Đình Hòe và L. Cadière, "Quelques coins de la citadelle de Hué" (Một vài nơi ở Kinh thành Huế), Tạp chí BAVH số 3/ 1924.

[5] Tham khảo nội dung văn bia đã dịch tại : https://quydisan.org.vn/lau-tang-tho-hue.html#bai-ky-ve-lau-tang-tho.

[6] Châu bản triều Nguyễn thời Minh Mạng, tờ 103. Nguồn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

[7] Châu bản triều Nguyễn thời Tự Đức, tờ 209. Nguồn Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I.