Ngày đăng bài: 18/10/2017 08:25
Nghệ thuật điêu khắc qua sưu tập tượng Chăm ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Sưu tập tượng Chăm tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (BTCVCĐ Huế) là một trong những sưu tập chính, có ngay từ ngày đầu Bảo tàng mới thành lập và được trưng bày tại một phòng riêng biệt thường được gọi là “Phòng Chàm”.
Chim thần Garuda phong cách Tháp Mẫm

Phòng Chàm là một kiến trúc xây bằng gạch và xi măng, sườn gỗ, lợp ngói với một cửa ra vào, bên trên có 4 cửa sổ nhỏ để thông gió. Tòa nhà được xây dựng bên trái nhà kho, phía sau điện Long An, nối với nhà kho bằng một hành lang bên trên có mái che. Trên các bờ nóc, bờ quyết trang trí hình lá hóa long.

Phòng Chàm được thành lập tại Bảo tàng Khải Định (nay là BTCVCĐ Huế) bởi Nghị định ngày 26-12-1927 do Khâm sứ Trung Kỳ ký1. Sự ra đời của Phòng Chàm là kết quả mà Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieux Huế) đạt được sau một thời gian hoạt động.

Sưu tập tượng Chăm được mở đầu bằng những hiện vật được phát hiện ở Nham Biều (nay thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào năm 19152 và Xuân Hòa (nay thuộc tổ 20, khu vực 5, phường Thủy Xuân, thành phố Huế) vào năm 19173. Sau đó sưu tập tiếp tục được bổ sung sau cuộc khai quật ở Trà Kiệu do ông J.Y.Clayes thực hiện vào tháng 6-1927, “Ông đã vui lòng để dành lại một phần hiện vật cho Bảo tàng Khải Định khi phân chia những hiện vật tìm được từ những cuộc khai quật quan trọng này cho các bảo tàng khác nhau tại Đông Dương”4.

Hiện nay Phòng Chàm có hơn 80 đơn vị hiện vật tiêu biểu của nghệ thuật Chăm mà các học giả như L. Cadière, J.Y. Clayes... đã sưu tập được trong thời gian Hội Đô Thành Hiếu Cổ còn hoạt động. Nghệ thuật điêu khắc Chăm được thể hiện trên các hiện vật này vô cùng phong phú, đa dạng.

Đa số các hiện vật trong Phòng Chàm đều được phát hiện trên miền Bắc của vương quốc Chăm xưa, miền Amaravati (từ bắc Quảng Bình đến Quảng Nam). Lý lịch các hiện vật ở Phòng Chàm qua nhiều biến động của lịch sử đã không còn. Tuy vậy, dựa trên phong cách nghệ thuật điêu khắc, các nhà chuyên môn đã lập lại hồ sơ khoa học cho hiện vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Hiện vật Chăm ở đây phong phú và đa dạng về loại hình cũng như phong cách nghệ thuật. Cuộc sống lao động cần cù và đầy sáng tạo của dân tộc Chăm đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo. Các phong cách nghệ thuật khác nhau được thể hiện qua các hình tượng tôn giáo, thần thánh... và đều mang những nét đặc trưng về nhân chủng của con người Chăm (lông mày rậm, mặt mỏng, môi dày, mũi nở...). Nghệ thuật điêu khắc Chăm ở đây cũng được hình thành và phát triển trên cơ sở những yếu tố bản địa kết hợp với các yếu tố của nền văn minh lân cận như Đại Việt, Khmer và nhất là Ấn Độ. Tuy vậy, đây là sự kết hợp có chọn lọc, sáng tạo và thiên về bản sắc dân tộc nên những yếu tố văn hóa bản địa vẫn là nền tảng và để lại dấu ấn rõ nét trên các tác phẩm điêu khắc Chăm nói chung và các sưu tập tượng ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nói riêng.

Những tác phẩm điêu khắc này đã được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Chăm xưa, được tìm thấy ở đầu thế kỷ XX ở Giam Biều (Nham Biều), Xuân Hòa, Linh Thái... (Thừa Thiên Huế); Trà Kiệu (Quảng Nam, Đà Nẵng); Tháp Mẫm (Bình Định). Tùy theo kết quả nghiên cứu của mình mà các học giả người Pháp hay Việt Nam đã xếp loại các tác phẩm điêu khắc Chăm theo từng phong cách riêng biệt, và cho đến nay ý kiến về vấn đề này vẫn chưa thống nhất.

Theo sự phân loại của các nhà chuyên môn, chúng tôi nhận thấy nổi bật trong Phòng Chàm là những hiện vật mang phong cách Trà Kiệu và Tháp Mẫm. Các hiện vật này có niên đại từ thế kỷ VII-XIV.

Ở phong cách điêu khắc Trà Kiệu (kéo dài từ thế kỷ VII-X), các tác phẩm được phân về Phòng Chàm là tượng thần Siva, tượng Nam thần, vũ nữ Apsara, phù điêu vũ công, tượng động vật, thủy quái Makara, tượng Gajasimha (voi- sư tử)... Nghệ thuật điêu khắc thể hiện trên các tượng bằng thủ pháp điêu luyện với những đường nét chắc, khỏe, gợi cảm. Phù điêu vũ nữ Apsara và vũ công Trà Kiệu với những động tác múa đẹp, chuẩn, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Đặc biệt nghệ thuật tạo dáng vũ nữ Apsara với điệu múa nghiêng thân về trước, dồn lực vào chân co, một chân duỗi nhẹ, đầu nghiêng, mắt hướng thẳng đã làm cho hình tượng vũ nữ càng thêm duyên dáng, uyển chuyển.

Nghệ thuật tạc tượng động vật ở giai đoạn này cũng được nâng dần đến độ hoàn mỹ và được diễn tả bằng một thủ pháp tự nhiên, sinh động. Loại hình tượng động vật phong phú, đa dạng và đều trong tư thế động: một chú khỉ lanh lợi, miệng rộng mỉm cười, vành tai to, ngực đeo vòng kiềng, thần thái vui tươi, mặt chăm chú nhìn sự việc đang xảy ra; tượng voi có hình dáng khỏe đẹp, tướng đi đủng đỉnh khoan thai chứ không nặng nề cục mịch; các tượng sư tử mang phong cách Trà Kiệu rất phong phú với nhiều đường nét khác nhau nhưng đều trong tư thế động, khỏe khoắn. Bên cạnh những động vật đời thường thì những con thú thần thoại như Gajasimha, Makara,... cũng được các nghệ nhân Chăm chạm khắc tinh tế, mang dáng vẻ hiền hòa, trang nhã chứ không dữ dằn như bản thân vốn có của con vật.

Nhìn chung, nghệ thuật tạo dáng và điêu khắc mang phong cách Trà Kiệu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hay các bảo tàng khác trên khắp Việt Nam cũng như thế giới là những tác phẩm đẹp, chuẩn mực của điêu khắc Chăm.

Về các hiện vật mang phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ XII-XIV) ở Phòng Chàm đều được chạm khắc trong những hình khối lớn, thô phác nhưng cầu kỳ và vẫn thể hiện được nét tài hoa của nghệ nhân Chăm xưa. Ảnh hưởng của văn hóa Khmer, văn hóa Đại Việt (thời Lý, Trần)... đã được thể hiện trên các tác phẩm, tuy nhiên yếu tố bản địa vẫn còn chiếm vị trí chủ đạo.

Tượng người, tượng động vật lúc này hầu như đã được hoang đường hóa. Các tác phẩm điêu khắc đã được phóng đại, cách điệu thành những trang trí mang tính nghệ thuật cao. Những chim thần Garuda, nhạc công Kinnari... đều được trang trí dày đặc với nhiều hoa văn chạm khắc phong phú nhưng chi tiết rườm rà. Ở giai đoạn này những nghệ nhân Chăm muốn phô diễn toàn bộ kỹ năng, kỹ xảo của mình trên các tác phẩm điêu khắc. Những y phục, trang sức, đồ đội của tượng người được cách điệu và trang trí nhiều chi tiết mang hình dáng khác nhau. Những con thú thần thoại như chim thần Garuda, Makara... có kích thước lớn cũng được chạm khắc tỉ mỉ, trông hiền lành, xinh xắn.

         Đặc biệt ở Phòng Chàm còn có một Linga cao 117cm, đường kính 33cm, được tìm thấy ở Xuân Hòa. Linga gồm ba phần: chân vuông, thân bát giác, đầu tròn. Đây là Linga phổ biến của phong cách Tháp Mẫm. Linga được khắc tạc trên hình khối lớn với nhiều chi tiết: chân hình vuông tượng trưng cho thần Brahma, thân hình bát giác tượng trưng cho thần Vishnu và đầu hình tròn biểu tượng cho thần Siva. Linga này đang được ghép chung với một Yoni (bị vỡ chỉ còn hơn một nửa) được phát hiện ở Giam Biều (Nham Biều). Hai hiện vật này được phát hiện ở hai địa điểm cách xa nhau thuộc vùng phụ cận Huế nhưng đã được ghép chung thành một bộ ngẫu tượng sinh thực khí tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Các hiện vật ở Phòng Chàm mang phong cách Tháp Mẫm tuy không được thanh nhã như các tác phẩm mang phong cách Trà Kiệu, nhưng đây lại là những tác phẩm đánh dấu giai đoạn phát triển cuối của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Do lịch sử vương quốc Chămpa lúc này đang có nhiều biến động lớn (ngoại xâm, nội biến) và đang bước vào giai đoạn suy yếu, nghệ thuật điêu khắc Chăm cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thời cuộc. Bố cục tượng và phù điêu hầu hết đều đồ sộ nặng nề, nghệ thuật chạm khắc tỷ lệ nghịch với hình dạng tác phẩm. Hình tượng điêu khắc càng to lớn bao nhiêu thì hoa văn chạm khắc trên tác phẩm càng tỉ mỉ, tinh tế bấy nhiêu. Vì vậy có thể nói rằng các tác phẩm điêu khắc mang phong cách này đã thể hiện sự hoài mong, tiếc nuối của những nghệ nhân Chăm xưa muốn tìm kiếm, níu kéo lại thời kỳ hưng thịnh lúc vương quốc Chămpa đang còn hùng mạnh.

Cùng với các tác phẩm điêu khắc kể trên, Phòng Chàm còn lưu giữ nhiều tác phẩm khác được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế. Chung quanh các bức tượng này vẫn còn các cuộc tranh luận sôi nổi như việc xác định giới tính cho một bức tượng đứng (đã bị mất đầu và mất tay) được tìm thấy ở Nham Biều5. Đây là một bức tượng tròn, kích thước lớn (cao 127cm) nhưng lại thiếu những bộ phận quan trọng nên khó xác định giới tính một cách chính xác. Các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Xuân Hòa, Linh Thái, phần lớn đều có lý lịch rõ ràng.

Điểm nổi bật qua sưu tập tượng Chăm là hầu hết tượng động vật đều thuộc giống đực và đặc trưng nổi bật của dương tính được chạm khắc rõ, đậm nét. Đây cũng là yếu tố mang ý nghĩa phồn thực trong điêu khắc Chăm.

Các hiện vật ở Phòng Chàm dù mang phong cách này hay mang phong cách khác, dù được phát hiện ở đâu cũng đều là những tác phẩm đẹp, được tạo ra bằng những bàn tay tài hoa, khéo léo và bằng tài năng, trí tuệ của những nghệ nhân Chăm xưa. Các hình tượng tôn giáo, thần thánh, động vật,.... được thể hiện trên các tác phẩm điêu khắc Chăm rất gần gũi với cuộc sống của con người Chăm.

Trải qua bao thế kỷ phát triển, người Chăm đã đạt được một trình độ cao về tổ chức xã hội, sản sinh ra một nền văn hóa rực rỡ và độc đáo. Họ đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc mà ngày nay đang còn được bảo lưu tại một số bảo tàng ở Việt Nam. Đây là di sản của một quá khứ huy hoàng, là chứng tích đầy thuyết phục về nền văn hóa phát triển rực rỡ của một vương quốc xưa đã đi vào quá khứ. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa bản địa với những nền văn hóa bên ngoài (Khmer, Đại Việt, Ấn Độ...) đã tạo cho các tác phẩm điêu khắc Chăm sức sống mãnh liệt và trở thành những tuyệt tác của Việt Nam, cũng như của khu vực Đông Nam Á và cả thế giới.