Ngày đăng bài: 18/10/2017 08:24
Những “Ngôn quan”, “Gián quan” tiêu biểu dưới triều Nguyễn(1802 – 1885)
1. Vũ Xuân Cẩn (còn gọi là Võ Xuân Cẩn, 1772 - 1852): Ông là người làng Hòa Luật Nam, thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong cuộc đời làm quan dưới 4 triều vua, ông đã từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Tháng 7/1839, vua Minh Mạng đã đồng ý cho Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Đô sát viện là Vũ Xuân Cẩn và Hữu tham tri bộ Hộ là Doãn Uẩn đi Bình Định làm việc quân cấp ruộng công... Khi đoàn đến nơi dâng sớ về báo là đã cho Tổng lý và các phú hộ đến thông báo biết dụ của triều đình về chính sách quân điền, tất cả đều vui vẻ thoả thuận. Vua bèn sai cấp thêm lộ phí và thuộc viên để làm việc. Điều đáng quan tâm ở đây đó là sau khi tìm hiểu tình hình cụ thể về ruộng đất ở Bình Định, ông xin không chia ruộng đều theo lời bàn của các bộ trước đó, vua đã đồng ý. Đến tháng 11/1839, sau gần 4 tháng, việc quân điền ở Bình Định hoàn thành, vua Minh Mạng rất khen ngợi và thưởng cho ông 1 chiếc nhẫn giát ngọc kim cương, 5 hạt liền nhau, thẻ bài đeo bằng ngọc trắng, đồng tiền vàng Như ý, nhẫn vàng mỗi thứ đều 1 chiếc; còn Doãn Uẩn và các thuộc viên đi theo cũng đều được thưởng xứng đáng theo thứ cấp. Với công lao này, vua Minh Mạng đã thăng cho ông chức Thượng thư bộ Hình kiêm quản Đô sát viện. Người đương thời nhận xét ông như là một con người hoàn hảo “Văn võ song toàn”, “Lúc vào Kinh thành thì tâu bày mưu lược, lúc ra trận mạc thì gươm giáo đầy đủ”.

Ông còn là vị quan tham liêm và rất nhân từ. Năm 1824, khi được đi phái phát chẩn ở Nghệ An ông đã chủ động xét người phát theo tiêu chuẩn người nào khỏe mạnh thì cho ít, trẻ con ốm yếu thì phát nhiều và khi về triều ông xin chịu tội “vi chế”, vua Minh Mạng bảo: “Nếu có lợi cho dân thì tự ý làm cũng được, có tội gì ?”. Ông cũng là người không ham danh lợi, khi biết tuổi già sức yếu sợ không cáng được được trọng trách triều đình giao phó nên ông đã hai lần xin triều đình cho nghỉ về hưu. Lần thứ nhất là năm ông 70 tuổi (1842) nhưng vua không Thiệu Trị không cho. Lần thứ hai là năm ông 80 tuổi (1852), vua đồng ý. Tuy nhiên, vua cho quan Nội các đến hỏi ông những việc nên thường làm, ông đã trình bày 4 việc liên quan đến tích trữ lương thực phòng khi mất mùa; chính sách “ngụ binh ư nông”; sử dụng con của các tước vương, công chúa... Vua Tự Đức liền cho thi hành. Qua ví dụ này cho thấy, ông là người rất được các vị vua đầu triều Nguyễn tin tưởng và trọng dụng.

Vũ Xuân Cẩn là một người dù ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức trách, đặt quyền lợi người dân lên trước mà giải quyết công bằng, hài hòa tình, lý. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi thì ông đã là 1 lão thần 70 tuổi nhưng ông vẫn được thăng Thự Đông các đại học sĩ. Tuy nhiên, xét thấy tuổi cao, sức yếu nên ông xin hồi hưu nhưng không chuẩn tấu. Vua Thiệu Trị nói: “Nước có bề tôi giàlà điều hay của thịnh triều...”. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), nhân lễ Khánh tiết ban ơn gia chức Ngự triều Đại thần, vua đã ban cho ông thẻ bài bằng ngọc có chạm 4 chữ vàng “Ngự triều đại thần”. Năm thứ 3 triều Tự Đức gặp kỳ “Đại kế”, vua thưởng cho ông một chiếc Kim khánh khắc chữ “Túc đức nguyên lão”. Năm ông 80 tuổi, vua Tự Đức làm 2 bài thơ tặng với ý ngợi ca, tỏ niềm tâm đắc với một Đại thần. Tháng 4 (Âm lịch) năm 1852, ông mất tại quê nhà vua Tự Đức đã ban cho ông tên thụy là Văn Đoan, vua cũng truy tặng ông danh dự “Tứ triều nguyên lão” và được liệt thờ vào miếu Hiền lương. Quả là không quá khi người đời thường gọi ông là người tam đạt: Tước cao – Đức lớn – Sống lâu.

2. Trọng Bình (còn gọi là Võ Trọng Bình, 1808 - 1898): Người làng Mỹ Lộc, huyện Phong Đăng (nay là huyện Lệ Thủy), tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong 46 người đã đỗ trong kỳ thi Hương năm 1834. Suốt cuộc đời làm quan của mình (1834 - 1884), ông được biết đến là một vị quan giỏi, thanh liêm, chính trực, luôn chăm lo cho dân và có nhiều đóng góp cho triều đình. Trong 50 năm tham gia chốn quan trường, Vũ Trọng Bình đã từng trải qua nhiều chức quan ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chưởng ấn Cấp sự trung Hộ khoa; Cơ mật viện đại thần; ông từng đảm nhiệm vai trò là Kinh lược các đạo Ninh Hà, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng; Tổng đốc Ninh – Thái... Đặc biệt, năm 1884, vua đã chuẩn cho Vũ Trọng Bình về quê hưu trí nhưng khai phục nguyên hàm Tổng đốc Định Yên. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Bởi, vua cho rằng ông là vị quan đã trải qua bốn triều vua và là người liêm năng, “vua thương là người bầy tôi cũ, cho nên mới có mệnh này”. Năm 1898, ông mất tại quê nhà, thọ 90 tuổi.

Trên cương vị là một “ngôn quan”, “gián quan”, ông đã có nhiều đóng góp. Tháng 2/1843, ông cùng với các quan khoa, đạo như Ngô Bỉnh Đức, Lê Di và Nguyễn Huy Lịch dâng sớ trình bày 8 việc. Trong đó, có những việc có ảnh hưởng đến thuế quan, giá cả thị trường hay trợ cấp, việc hình án. Vua đã cho chuẩn xét thi hành một số điều.

Một số đề xuất của ông đã trở thành căn cứ cho triều đình xây dựng các chế định pháp luật. Năm 1842, khi cho định lại điều cấm về các nhà trạm, triều đình đã căn cứ vào lời tâu hặc của ông trước đây về việc “ngoại lang bộ Hình là Lê Ngọc Chấn đi thanh tra việc công Hà Tĩnh trở về, tự tiện lấy 14 tên phu trạm và 2 con ngựa trạm để vận tải đồ vật riêng cho gia quyến. Quan tỉnh lại riêng cắt biền binh đi hộ tống”. Về tội danh của các tham quan này, vua phạt “Chấn bị xử tội mãn đồ. Bố chính Nguyễn Đồng Khoa và án sát Nguyễn Khắc Trạch ở Hà Tĩnh đều bị giáng 2 cấp, lưu”. Hai năm sau (1844), triều đình đã định lại lệ thu thuế cửa ải và bến đò từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Việc định lại lệ thu thuế này đã dựa trên cơ sở điều trần trước đây của ông và Nguyễn Cư Sĩ. Ông đề nghị chiếu theo các năm trước, giá nào vừa phải thì chọn, đồng thời cho đình bãi việc đấu giá như trước đây và hàng năm các địa phương phái thuộc viên thu theo quy định. Vua đã giao cho xuống đình thần bàn và sau đó định lại như ông kiến nghị.

Ông đã góp phần làm trong sạch bộ máy cũng như trừng trị tệ quan tham. Năm 1840, với cương vị là một gián quan - Giám sát ngự sử khi được phái cùng Giám sát ngự sử đạo Bình Phú là Nguyễn Thị đi Phú Yên thanh tra, khi về Nguyễn Thị đã lấy vợ lẽ, mua ngựa, ông tham hặc, vua Minh Mạng “lập tức sai cách chức Nguyễn Thị, giao bộ nghiêm nghị”. Hay năm 1841, Án sát tỉnh Nam Định là Lê Hữu Đức trước đây có tội, bị cất chức nhân lúc ấy khoa, đạo là Vũ Trọng Bình và Trần Thiện ra làm giám sát trường thi Nam Định, Đức mật sai người nhà đem chè đi tiễn tống, Vũ Trọng Bình đem việc ấy tâu lên, vua liền sai cách chức Đức. Ông cho rằng kế sách giữ nước là phải dựa vào dân, dựa vào lòng người “Giữ nước, việc cậy được là ở lòng người, tôi xét kỹ, lòng dân phần nhiều trễ nải, trộm thường lấy làm lo, tưởng nên trước hết lấy cố kết lòng người làm việc cốt yếu, Kinh sư là căn bản của các nơi, phải nên mười phần chấn chỉnh, để cho các hạt trông mà bắt chước”.

Trong suốt cuộc đời – 50 năm làm quan, ông đã có đóng góp lớn cho đất nước, cho nhân dân nhưng không ham địa vị, danh lợi. Ông rất xứng danh với 3 chữ “không dối vua”. Ông là người được Hoàng Thái hậu Từ Dũ nêu gương “là vị quan thanh liêm để quan lại sửa mình”. 

3. Phan Bá Đạt (1783-1846): Ông là người xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thi đỗ Đệ tam Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Ngọ (1822). Ông có người con gái là Phan Thị Long lấy Phan Ðình Tuyển (Phó bảng) sinh ra Phan Ðình Phùng – người đậu Đình nguyên Tiến sĩ, lãnh tụ phong trào Cần vương. Năm 1832, cùng với việc cho đặt Đô sát viện, vua Minh Mạng cũng đã bổ ông giữ chức Tả phó Đô ngự sử kiêm Hữu Tham tri bộ Hình. Trong cuộc đời làm quan của ông tuy có “lúc trầm, lúc bổng” nhưng ông từng được giao giữ những trọng trách lớn và là người thanh liêm, hết lòng vì vua, vì dân. Cho dù ở cương vị, chức quan nào, ông đều có những đóng góp đáng phải ghi danh. Khi được giữ chức ngôn quan, ông cũng đã có những thành tích được triều đình khen ngợi. Năm 1832, Tuần phủ Ninh Bình Hoàng Công Tài, trước ở Quảng Nam, lén lút đóng thuyền chế tín bài, làm nhiều điều trái phép. Đến khi có lệnh gọi vào Kinh, Tài lại cáo ốm xin nghỉ, để tẩu tán của riêng. Bấy giờ Ngự sử Lê Hữu Bản nhân đi chuyến sai, dò biết được thực trạng, về tâu. Vua, đặc cách sai Đô sát viện Tả phó Đô ngự sử là Phan Bá Đạt, đem ty viên bộ Hình và lính trấn phủ mang cờ biển đi tra xét, gặp Tài ở giữa đường, kiểm soát hòm riêng, bắt được thuốc phiện lậu. Tài sợ tội, đâm đầu xuống sông định tự tử. Bá Đạt đem việc tâu lên. Vua ra lệnh lập tức cách chức bắt giam để xét hỏi, xử tội. Khi thành án, Tài bị tội trảm giam hậu. Một năm sau (1833), ông lại tiếp tục ghi công khi vua Minh Mạng giao đi điều tra việc Thự Án sát Thái Nguyên Nguyễn Du (trước đây là Ngự sử) nhân đi phát chẩn ở Hưng Yên đã mua con gái của dân nghèo về làm vợ lẽ. Ông điều tra đúng như vậy, vua cho áp giải Nguyễn Du về Kinh giao Hình bộ nghị xử. Ông cũng là người đề cao pháp trị “Cái đạo trị dân phải có pháp luật để trị, mà pháp luật cần phải có người tốt rồi sau mới thi hành được”. Tuy nhiên, ông cũng quan niệm để thực thi tốt chế độ pháp trị thì người thì trước hết người thi hành pháp luật phải là người tốt để “phòng gian lại trở thành cái túi tham cho kẻ gian giảo hoạt”. Vua Minh Mạng cho lời nghị của ông rất phải nên giao các bộ chuẩn cho thi hành.

Năm 1844, ông đã phát giác việc Án sát Trần Quang Tiến khi được giao khám xét việc dân hạt Nam Định tranh nhau trưng bãi sa bồi đã “nhận của lót của người ta nhờ cậy”. Còn quan tỉnh này là Bùi Phác được giao điều tra, xét xử tội của Trần Quang Tiến đã “kết án một cách hàm hồ, có ý gỡ tội cho Trần Quang Tiến”, “nguyên Hộ đốc Hà Thúc Lương cũng hùa theo, dựa ý và dung túng”. Vua Thiệu Trị xử Trần Quang Tiến phạt trượng và tội đồ, Hà Thúc Lương bị cách lưu, Bùi Phác phải phát đi sung quân ở đồn cửa biển Đà Nẵng. Vua cũng khen ông có công lớn đối với một vụ án phức tạp.

Trong cuộc đời làm quan, có một số lần triều đình đã kết oan cho ông hay vô tình ông phạm phải sai lầm nên đã bị xử phạt. Tuy nhiên sau khi biết ông bị oan, năm 1848, vua Tự Đức khen ông thanh cần nhất tiết và truy tặng ông Viên ngoại lang Lại Bộ.

4. Ngô Kim Lân (? – 1848): quê thôn Thế Lại, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Phú Hiệp, thành phố Huế). Ông nổi tiếng việc quan, giỏi việc chính trị, xuất thân là Giám sinh. Ông là giữ chức Cấp sự trung Lễ khoa từ năm 1826 – 1838. Mặc dù chỉ giữ đến chức Cấp sự trung nhưng với cương vị là quan giám sát ông là một trong những người có đóng góp rất lớn. Năm 1834, xã Hoà An, huyện Phú Vinh, có xảy vụ cướp nhưng Lý dịch địa phương đã giấu không trình báo, còn Phủ huyện cũng điềm nhiên không nghe biết gì. Với cương vị là Cấp sự trung Lễ khoa, ông đã tâu hặc về việc bưng bít vụ cướp ấy. Vua Minh Mạng lấy làm lạ, bảo: “Kinh huyện ở dưới chỗ xe nhà vua qua lại, sao lại có cướp xảy ra ở nơi phố xá, đường ngõ nghiêm túc này !”. Lập tức sai ông và một số người khác đến xét hỏi thì quả có việc ấy. Sau đó, triều đình đã xử Lý dịch bị tội đồ, quyền Tri huyện Đinh Văn Hưởng bị cách chức. Vua Minh Mạng khen ngợi lời tâu của ông đúng sự thực nên thưởng 20 lạng bạc.

Ông cũng là người có trách nhiệm trong việc xây dựng tổ chức bộ máy cũng như bảo vệ quyền và lợi ích cho những vị quan có công đối với triều đình. Năm 1834, Tri phủ Anh Sơn là Nguyễn Hữu Hoàng có công lao được triều đình có chỉ gọi về Kinh để thăng chuyển chức cao hơn nhưng không may trên đường về Kinh ông bị bệnh rồi chết. Vua Minh Mạng bèn thưởng Nguyễn Hữu Hoàng 100 quan tiền, đồng thời sai phủ Thừa Thiên thuê thuyền đưa ông về quê Quảng Nam an táng...

Ngoài ra, còn có một số vị quan giám sát tiêu biểu khác, như: Lê Đại Cang (1771 – ?); Lê Đăng Doanh (? – 1848); Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858); Phan Thanh Giản (1796 – 1867); Phan Sĩ Thục (1822 – 1891); Phạm Thận Duật (1825 – 1885); Mai Thế Quý (1822 – 1877); Phan Đình Phùng (1847 – 1895)... Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch, 1994), Minh Mạng chính yếu, tập 3, Nxb Thuận hóa, Huế.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch, 1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 3, Nxb Thuận hóa, Huế.
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch, 1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 4, Nxb Thuận hóa, Huế.
  4. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch, 2007), Đại Nam thực lục, tập 2, tập 3, tập 4, tập 5, tập 6, tập 7, tập 8, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Q. Thắng (2003), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, tr.940.
  6. Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu học (bản thảo, 1962), Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Thiệu Trị, t.3.
  7. Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu học (bản thảo, 1962), Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Tự Đức, tập 39.
  8. Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu học (bản thảo, 1962), Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Minh Mạng, t.72.  
Ngô Đức Lập