Ngày đăng bài: 24/11/2021 09:38
Khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa
Nhân sự kiện chào mừng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11, chiều ngày 23/11/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa.
 

Đến tham dự buổi Lễ, về phía lãnh đạo tỉnh có Đồng chí Lê Trường Lưu, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân đân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí đại diện lãnh đạo thành phố, các sở ngành trong tỉnh, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi lễ khởi công

Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế - nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Được khởi công xây dựng vào ngày 22 tháng Giêng năm Gia Long thứ 4 (tháng 2 năm 1805) nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía tây bắc và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Đến năm 1833, khi vua Minh Mạng cho tái quy hoạch các công trình trong Hoàng thành Huế, Điện Thái Hòa được dời từ vị trí cũ đến vị trí hiện nay.

Điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế cùng những giá trị mang tính lịch sử và giá trị to lớn về quy hoạch, kiến trúc, mỹ thuật và giáo dục.

Công trình với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” (hai bộ mái trên một mặt nền), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly. Hệ thống 80 chiếc cột bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rồng mây cùng motif “nhất thi nhất họa” với hàng trăm bài thơ chữ Hán trên các ô hộc ở phần liên ba, đố bản bên trong điện và trên dải cổ diêm ở mái đã đem lại nét duyên dáng cho công trình đồ sộ này (ngày 19/5/2016, UNESCO công nhận di sản Thơ văn trên Kiến trúc ddiienj Thái Hòa là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Bên trong điện Thái Hòa, phía trên ngai vàng là bửu tán trang trí 9 con rồng được thếp vàng rực rỡ. Bên trên là chữ “Thái Hòa Điện”, chữ Thái Hòa trong tên gọi của công trình mang ý nghĩa triết học sâu sắc. Chữ “Thái” là sự lớn lao, to rộng, chữ “Hòa” hàm ý “hài hòa, hòa hợp”-cuộc sống hòa hợp âm và dương, giữa cương và nhu, giữa người và người, giữa người và Trời, giữa người và Đất thì mới hữu ích cho vạn vật. 

Phía trước điện Thái Hòa là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều. Hàng tháng, các vua Nguyễn tổ chức lễ Đại triều vào hai ngày mồng 1 và 15 (âm lịch), tập trung đầy đủ bá quan văn võ. Sân có 2 tầng, được lát đá Thanh, hai bên dựng 2 hàng “phẩm sơn” (bia đá nhỏ, trên có khắc thứ bậc của các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi bậc có 2 hạng: chánh và tòng). Tầng trên cùng dành cho các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm. Tầng dưới dành cho các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống. Vị trí dưới cùng, phía gần cầu Trung Đạo là nơi dành cho các hương lão đứng chầu trong những dịp khánh tiết. Ngoài 2 lễ Đại triều hàng tháng, điện Thái Hòa còn là nơi triều đình tổ chức các hoạt động quan trọng như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, v..v… Tại các buổi lễ, nhà vua sẽ ngự trên ngai vàng, chỉ có một số ít các hoàng thân được phép đứng chầu hai bên, còn tất cả các quan sẽ phải đứng trên sân Đại triều nghi theo đúng thứ bậc đã được ghi trên các tấm bia “phẩm sơn”.

Nghi thức khởi công

Quy mô đầu tư bảo tồn, tu bổ tổng thể bao gồm toàn bộ các hạng mục tổng thể công trình Điện Thái Hòa: nền móng, tường bao, mái lợp, hệ khung và các kết cấu gỗ, hệ thống trang trí nội thất, mái, sơn thếp; hệ thống sân Đại triều, đường, lan can; nội thất; tôn tạo hạ tầng kỹ thuật; tôn tạo cây xanh cảnh quan. Dự án có tổng diện tích 7.100 m2. Trong đó, khuôn viên Điện Thái Hòa có tổng diện tích 4.851,3 m2 chiều rộng là 61,25m và chiều dài là 79,20m gồm Điện Thái Hòa có tổng diện tích 1.440m2, Sân Đại Triều Nghi có tổng diện tích là 1.640m2.

Dự án có tổng mức đầu tư là 128.783.222.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm 2025./.