Ngày đăng bài: 18/10/2017 08:09
Lầu Tàng Thơ ở Huế

Lầu Tàng Thơ là một “Tàng Kinh Các” hiếm hoi của thời kỳ chế độ quân chủ được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Huế, một công trình kiến trúc đặc biệt trong Quần thể di tích kiến trúc vốn phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn.

Lầu Tàng Thơ được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1825 giữa hồ Học Hải, bên trong kinh thành. Hơn 1.000 lính thợ đã được huy động để đào hồ, đắp đảo và xây dựng công trình.Với cấu trúc xây khối hoàn toàn bằng gạch đá, vôi vữa, lầu Tàng Thơ là một công trình rất khác biệt so với hàng trăm công trình kiến trúc gỗ thời bấy giờ.

Để phòng tránh hỏa hoạn và các loại côn trùng, lầu Tàng Thơ được xây dựng biệt lập trên một hòn đảo hình chữ nhật, chỉ thông với bên ngoài qua một chiếc cầu xây gạch đá ở phía Tây, đây cũng là phía gắn liền với hồ Tịnh Tâm. Lầu gồm có 2 tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái, tất cả các gian đều dùng để lưu trữ các tài liệu quan trọng của triều Nguyễn mà phần lớn đều là tài liệu giấy và mộc bản. 

Theo sách “Tàng Thơ Lâu bạ tịch” (1907), tài liệu lưu trữ tại đây là các văn kiện ngoại giao quan trọng giữa Việt Nam và Pháp, giữa Việt Nam và triều đình Trung Hoa, văn kiện của Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), các văn khắc in sách của triều đình… trong đó số lượng địa bạ  rất lớn.

Trải qua thời gian và bao biến động lịch sử, lầu Tàng Thơ đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng, công trình cũng không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác; số tài liệu lưu trữ tại đây bị chuyển đi nhiều nơi, cả ở trong nước và thất tán ra nước ngoài… 

Dự án nghiên cứu, phục hồi lầu Tàng Thơ kéo dài từ năm 2014 – 2018. Hiện nay, lầu Tàng Thơ đã được đưa vào hoạt động, Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ hồi sinh thêm một di sản độc đáo, mà điều quan trọng hơn là  phục hồi được một “Tàng Kinh Các” danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.