Ngày đăng bài: 11/11/2020 08:34
17 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh
 
 

Từng phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn (1802 -1945), Nhã nhạc – một loại hình âm nhạc tao nhã, thiêng liêng thường dùng để trình diễn trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình, những cuộc cúng tế thần linh và tổ tiên đã trở thành một loại hình âm nhạc cung đình không thể thiếu của triều đại. Sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), Nhã nhạc cũng mất đi vị trí chức năng xã hội và môi trường diễn xướng nguyên thủy, lâm vào tình trạng suy thoái và có nguy cơ thất truyền. Tuy vậy, ngay sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại vào ngày 07/11/2003, (năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng ngay chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị của Nhã nhạc.
Cùng với sự giúp đỡ đặc biệt của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện nhiều dự án, tiến hành nhiều hoạt động như: khảo sát và tư liệu hóa; đào tạo và truyền dạy; quảng bá và phát huy… nhiều công trình nghiên cứu khoa học về Nhã nhạc cũng đã được thực hiện, được các hội đồng khoa học, các nhà nghiên cứu đánh giá cao như: Hồ sơ khoa học “Nghiên cứu về trang phục Nhã nhạc triều Nguyễn”; Hồ sơ khoa học “Chuyển biên các bài bản Nhã nhạc Huế”; Hồ sơ khoa học “Thái bình cổ nhạc”; Hồ sơ khoa học “Hồ sơ nhạc khí Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn”; Hồ sơ khoa học “Nghiên cứu bài bản Nhã nhạc Tam Thiên”; Hồ sơ khoa học “Nghiên cứu bài bản Nhã nhạc Phú Lục địch”; Hồ sơ khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu về các bài bản âm nhạc cung đình Huế - Phần Nhã nhạc”;…
Với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản quý báu này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những thành công nhất định trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay, Nhã nhạc đang được nghiên cứu bảo tồn một cách nguyên vẹn, đây cũng là cách đưa loại hình nghệ thuật này về đúng với môi trường diễn xướng nguyên thủy vốn có của nó, đồng thời đưa loại hình diễn xướng này đến gần hơn với công chúng.