Ngày đăng bài: 18/10/2017 08:27
Chuyện biểu diễn hát bội ở làng Dừa xứ Huế mừng lễ hội cầu ngư
Những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, nghệ thuật hát bội (còn gọi hát tuồng) là một loại hình nghệ thuật diễn xướng rất được những người dân miền biển ở Thừa Thiên Huế yêu thích. Theo các nghệ nhân hát bội, do ngày đó chưa có các loại hình nghệ thuật giải trí văn hóa khác, nên những người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là người dân ở các vùng biển ở Thừa Thiên Huế xem hát bội là nhu cầu giải trí duy nhất đem đến cho họ niềm vui, sau những ngày dài mệt nhọc chống chọi với biển khơi để tìm bắt con tôm, con cá,…

Tết Đinh Dậu (2017), NSND Bạch Hạc – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế) thông báo, năm nay làng Dừa (gồm làng Thai Dương Thượng và Thai Dương Hạ thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức lễ hội cầu ngư ba năm đáo lệ, nghệ sĩ nhà hát sẽ về hát chầu theo lời mời của các bô lão nơi đây. Đã nhiều lần nghe nhiều nghệ sĩ kể chuyện hát bội và đánh chầu, nên đây là cơ hội để tôi được “mục sở thị” nghệ thuật hát bội mà dân gian vẫn truyền tụng nhau: “Hát bội là tội người ta/ Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì hát bội”.

Một cảnh trong vở hát bội “Thoại Khanh -  Châu Tuấn”

Theo lịch trình, tôi một mình rong ruổi xe máy từ thành phố thẳng tiến về làng Dừa theo hướng đi cầu Tam Giang, con đường rải nhựa thẳng tắp, hai bên đường sóng nước Tam Giang lùa sát mép đường kèm theo vị muối mằn mặn đặc trưng của vùng biển khiến cho người và cảnh như thuộc về nhau. Từ làng Dừa, đứng trên độn cát cao nhất của làng có thể nhìn thấy được cửa biển Thuận An và mặt biển mênh mông với những đoàn thuyền đánh cá xa xa, lúc này ta cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước biển cả.

 Lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển là ước mơ, là niềm tin của họ vào thiên nhiên, vào đấng siêu hình. Lễ hội của người dân làng Dừa nhằm tưởng niệm vị khai canh của làng là Trương Thiều (còn gọi là Trương Quý Công), gốc người Thanh Hóa, đã theo bước chân của Huyền Trân công chúa vào định cư ở Thừa Thiên. Ông là người đã dạy dân làng nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. Mộ và miếu thờ của Trương Quý Công trước kia nằm ở địa thế làng Thai Dương cũ nhưng trận lũ lớn năm Giáp Thìn (1904) đã đưa toàn bộ khu vực này ra biển khơi. Sau này, hai xã của làng Thai Dương đều lập miếu thờ Thành hoàng Trương Quý Công.

NSND Bạch Hạc (bên trái) và NSƯT Thanh Long cùng hóa thân vào vai diễn Phạm Công – Cúc Hoa trong vở hát bội cùng tên.

Theo các bô lão nơi đây, làng Thai Dương ở Thừa Thiên Huế trước đây gồm có Thai Dương Thượng, Thai Dương Hạ, Thai Dương Thôn cùng với các cồn đất nằm gần nhau trên mặt phá Tam Giang tạo thành thế “Tam Thai liên châu”. Hiện nay làng được tách thành xã Hải Dương (Hương Trà) và thị trấn Thuận An (Phú Vang). Cứ ba năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu hai xã này vẫn có truyền thống tổ chức lễ hội cầu ngư. Tuy địa điểm tổ chức của hai xã khác nhau nhưng vẫn cùng giờ, cùng ngày, cùng một nội dung là lễ hội của làng Thai Dương nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, ngư dân làm ăn phát đạt. Theo tục lệ, từ chiều ngày 11 tháng giêng làng mới bắt đầu cúng tế. Nhưng hiện nay do đời sống văn hóa phát triển, nên vào ngày 10 âm lịch làng đã tổ chức các cuộc đua tài vui chơi như kéo dây, nhảy bao bố, tối đến thì mời các đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ người dân…

Mới hơn 6 giờ tối, bãi đất trống trước đình làng đã chật kín người dân đến xem hát bội, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Họ đứng chen chúc và trò chuyện rôm rả, những đứa trẻ chạy tọt vào hậu trường để xem nghệ sĩ hóa trang, nghệ sĩ Thanh Long vừa hóa trang vừa chào hỏi những khán giả quen biết. Trước sân khấu bảy chiếc trống lớn được đặt dựng đứng để làm trống chầu, theo tục lệ trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, một vị bô lão cao tuổi nhất làng sẽ tiến lên đánh một hồi vào chiếc trống chầu ở giữa để khai hội, những chiếc trống chầu còn lại sẽ được đại diện các họ tộc trong làng “mua chầu” rồi cử người của mình đánh chầu và thưởng “tiền lèo” cho diễn viên.

Đánh trống chầu và thưởng “tiền lèo” cho diễn viên là một nét văn hóa đã in sâu trong tâm trí những người đi xem hát bội.

Theo yêu cầu của người dân, đoàn hát bội đã lược diễn nội dung hai vở hát bội “Thoại Khanh – Châu Tuấn” và “Phạm Công – Cúc Hoa”. Dù hai vở diễn này những người dân nơi đây đã xem nhiều lần, đã biết trước nội dung và thậm chí họ thuộc từng câu hát của các nhân vật, nhưng với tài năng của mình, các nghệ sĩ đã dẫn dắt người xem hòa lòng mình để sống chung với từng nhân vật. Khi những câu “hát nam” được cất lên cũng là lúc tiếng trống chầu dồn dập, kèm theo đó là “tiền lèo” rào rào được ném lên sân khấu để thưởng cho diễn viên, đâu đó giữa biển người chật cứng như nêm có tiếng khóc thút thít của các mệ, các dì vì thương cảm cho số phận của nhân vật. Để rồi tất cả cùng vở òa khi vở diễn kết thúc với tiếng vỗ tay rào rào của những khán giả chân chất vẫn còn yêu hát bội.

Lần đầu được xem hát bội và đánh trống chầu ở một vùng quê miền biển, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nghệ sĩ khi họ được sống với nghề, cũng như niềm vui như giải được cơn khát “đi coi hát bội” của người dân nơi đây. Gạt bỏ đi tất cả những âu lo và vất vả, hy vọng trong tương lai hát bội sẽ có nhiều đêm diễn ở các miền quê và trở lại thời hoàn kim như nó vốn có.